Vì một tình yêu Hà Nội

Hướng dẫn thăm lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Lịch mở cửa lăng Bác

Lăng Bác mở cửa vào các buổi sáng trong tuần trừ Thứ Hai và Thứ Sáu. Nếu mồng 1 Tết Nguyên Đán, ngày 19/5, ngày 2/9 mà trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu thì lăng vẫn mở cửa.
Vào mùa hè (từ ngày 1 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 10)
  • Đối với các ngày bình thường, lăng mở cửa từ 7h30 đến 10h30.
  • Đối với Thử Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ, lăng mở cửa từ 7h30 đến 11h.
Vào mùa đông (từ ngày 1 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau)
  • Đối với các ngày bình thường, lăng mở cửa từ 8h đến 11h.
  • Đối với Thử Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ, lăng mở cửa từ 8h đến 11h30.

Giá vé vào cửa

Người Việt Nam sẽ không mất vé vào cửa.
Khách nước ngoài sẽ mất 25.000 đồng vé tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh và 25.000 đồng vé tham quan khu nhà sàn Bác Hồ.

Gửi xe tại lăng Bác

Bạn có thể gửi tại:
  • Đường Ông Ích Khiêm – đối diện bộ Tư lệnh lăng.
  • Số 19 đường Ngọc Hà – cổng vào bảo tàng Hồ Chí Minh.
Lưu ý là có 2 địa chỉ số 19 đường Ngọc Hà, bạn để ý địa chỉ nơi mà có cổng vào bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hành trình tham quan

Bạn sẽ bắt đầu hành trình của mình ngay tại cổng vào bảo tàng Hồ Chí Minh (số 17A đường Ngọc Hà); từ chỗ gửi xe đi bộ ra đây không xa.
Tại ngay cổng vào, đội ngũ nhân viên sẽ hướng dẫn bạn cách xếp hàng và gửi đồ trước khi vào lăng. Bạn sẽ đi qua một cổng an ninh, vì vậy những đồ kim loại và những thiết bị ghi hình, chụp hình mang bên người sẽ bị giữ lại.
Đi theo đoàn người, bạn sẽ tới quảng trường Ba Đình. Tại đây, đội ngũ bảo vệ sẽ hướng dẫn từng đoàn một vào viếng lăng. Nếu đi vào đúng ngày lễ thì sẽ phải đợi hơi lâu một chút.
Cần lưu ý:
  • Khi vào lăng thì bạn cần lưu ý bỏ mũ và không cho tay vào túi.
  • Sàn nhà ở trong lăng khá trơn nên cẩn thận ngã.
Ra khỏi lăng, bạn sẽ được nhận lại đồ mà bạn đã gửi ban đầu; lúc này thì bạn có thể chụp hình.
Con đường dẫn đến khu nhà sàn Bác Hồ rất đẹp, có hồ nước và vườn cây nên không khí rất mát mẻ.
Rời khỏi khu nhà sàn là quầy giải khát và bán đồ lưu niệm; tại đây cũng có nhà vệ sinh công cộng. Và điểm đến tiếp theo là Chùa Một Cột.

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc gồm ngôi chùa và tòa đài giữa hồ, vốn có tên là chùa Diên Hựu và Liên Hoa Đài, nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội, và nằm ở bên phải lǎng Bác.
Chùa Một Cột có kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng trên một cột trụ đá duy nhất nằm ở giữa hồ, với bốn góc mái cao và cong vút, chùa giống như bông hoa sen nhô lên trên mặt nước, vì vậy chùa còn có tên gọi là Liên Hoa Đài.
Chùa Một Cột còn được đánh giá là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”.
Kiến trúc Chùa Một Cột
Kiến trúc Chùa Một Cột
Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Khi ấy vua Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai nên thường đến cầu tự ở các chùa. Một đêm vua nằm chiêm bao thấy đức phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía Tây thành, tay bế một bé trai đưa cho nhà vua. Sau đó quả nhiên nhà vua sinh con trai.
Thấy ứng nghiệm, vua liền sai lập chùa để thờ phật Quan Âm. Khi chùa làm xong vua triệu tập toàn bộ các tăng ni phật tử ở kinh thành đứng chầu xung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm và lập thêm một ngôi chùa lớn bên cạnh để thờ chư phật gọi là chùa Diên Hựu.
Từ sân lên sàn chùa để tụng kinh lễ bái, bạn sẽ phải bước qua 13 bậc rộng, hai bên tường gạch, gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.
Trong chùa có đặt tượng đức Phật Quan Âm, phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài”. Tượng Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trên vị trí cao nhất.
Không giống với bất cứ một tháp phật nào, chùa tuy không lớn nhưng lại mang đậm tính triết lí nhân văn ở trong: vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ.
Điểm dừng chân cuối cùng sẽ là bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi lưu trữ toàn bộ các tưu liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ qua những hiện vật còn bảo lưu.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh được trưng bày với nội dung bao gồm ba phần chính:
  • Phần trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam thực hiện di chúc của Người. Đây là nội dung chính gồm các tài liệu, hiện vật, các phim tư liệu, tác phẩm nghệ thuật được trình bày một cách hệ thống và là hành trình tham quan chính.
  • Phần trưng bày về đất nước Việt Nam, cuộc đấu tranh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
  • Phần các gian chuyên đề về một số sự kiện lịch sử thế giới có tác động tới cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam với 8 chủ đề chính về thời thơ ấu và con đường tìm đường cứu nước của Bác Hồ, sự thành lập Đảng Cộng sản và các cuộc kháng chiến cứu nước.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng còn là kho bảo quản hiện vật, tư liệu với hơn 15.000 bản sách phục vụ cho việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại đây, luôn có hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn và chia sẻ thông tin cho du khách, nếu muốn bạn có thể đi theo hướng dẫn viên để có được nhiều thông tin hơn, sau đó có thể tự do tham quan.

Lưu ý

Cần lưu ý khi tham quan lăng Bác:
  • Về trang phục: phải lịch sự và nghiêm túc, không mặc quần áo quá ngắn hay mang tính chất phản cảm khi vào tham quan lăng. Bảo vệ có thể không cho phép bạn vào trong lăng nếu vi phạm điều này.
  • Về thái độ: không gây ồn ào, mất trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, và xếp hàng theo thứ tự.
  • Hỏi giá trước khi ăn uống và mua hàng.
  • Muốn không phải xếp hàng viếng lăng, bạn có thể đến Bộ Tư lệnh lăng xin giấy phép đặc cách trước 2 – 3 ngày.
  • Trẻ em dưới 3 tuổi không được phép vào trong lăng; nếu bạn mang em nhỏ đi theo thì chú ý điều này nhé.
  • Thực hiện việc gửi hành lý theo quy định và sắp xếp của ban quản lý lăng. Không gửi đồ ăn uống, đồ điện tử, đồ trang sức hay đồ kim loại; bạn có thể sẽ không được phép gửi đồ.
  • Không chụp hình, ghi hình ở các khu vực cấm, đặc biệt là khu vực bên trong lăng.

Thông tin thêm

Lễ thượng cờ ở quảng trường Ba Đình là một nghi lễ cấp quốc gia, được thực hiện vào 6 giờ sáng mỗi ngày trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Kế đến là đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn đi một vòng ra phía trước theo tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” để đến chân cột cờ.
3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ, cũng là lúc cửa của lăng Chủ tịch bắt đầu mở. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Lá cờ được kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29m phía trước lăng Chủ tịch.
Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh đi một vòng trước cửa lăng Bác và kết thúc nghi lễ. Lễ hạ cờ diễn ra vào 21 giờ hàng ngày, với nghi thức tương tự lễ thượng cờ.
Bạn muốn đi xem lễ thượng cờ và lễ hạ cờ cần lưu ý về thời gian đã nêu bên trên.
Một số điểm tham quan gần khu vực Lăng Bác để bạn có thể kết hợp trong lịch trình của mình:
  • Hoàng thành Thăng Long (cách khoảng 500m)
  • Hồ Tây (cách khoảng 500m)
  • Đền Quán Thánh (cách khoảng 500m)
  • Chùa Một Cột (cách khoảng 500m)
  • Văn Miếu – Quốc Tử Giám (cách khoảng 700m)
Trích dẫn
Local.vn

Bình Luận

0 Bình luận "Hướng dẫn thăm lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh"
Back To Top